Thông tin cần biết về PrEP – Thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người chưa nhiễm nhưng có các hành vi nguy cơ cao. Hiểu đúng về PrEP và các hành vi nguy cơ sẽ giúp người dùng bảo vệ mình và cộng đồng khỏi lây nhiễm HIV trong quan hệ tình dục.
Thông tin cần biết về PrEP – Thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV:
PrEP là gì? Những đối tượng nào cần điều trị PrEP?
PrEP – là viết tắt của từ tiếng Anh (Pre-Exposure Prophylaxis), có nghĩa là dự phòng trước phơi nhiễm HIV, và điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng virút (ARV) đối với người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao để phòng lây nhiễm.

Đối tượng sử dụng của PrEP là tất cả những người chưa nhiễm HIV; những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV như: Người nam có quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma tuý, người chuyển giới nữ, người bán dâm, bạn tình khác giới của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị nhưng tải lượng vi rút HIV trên 200 bản sao/ml,chưa đạt mức ức chế và những người tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV sau điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP).

Thông tin cần biết về PrEP trọng điều trị và những lợi ích:
Các nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách ức chế men sao chép ngược cần thiết cho sự nhân lên của HIV. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Phương pháp này tuy không thay thế được vắc-xin HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó cũng là một cách đơn giản có khả năng làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) qua các thử nghiệm lâm sàng và các can thiệp thực tế trên Thế giới.
Thông tin cần biết về PrEP: Uống như thế nào và sau bao lâu mới có tác dụng?
Hiện nay, điều trị PrEP bằng thuốc ARV có chứa Tenofovir/Emtricitabine (TDF/FTC) hàm lượng TDF/FTC 300/200mg: uống 1 viên/ngày. Nên uống vào một thời điểm nhất định để tạo ra thói quen uống thuốc đều đặn.PrEP có thể đạt hiệu quả và có tác dụng bảo vệ: Sau khi uống đủ 7 liều đối với quan hệ tình dục qua đường hậu môn (thường với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới – MSM) Và sau khi uống đủ 21 liều với quan hệ tình dục qua đường âm đạo và qua đường máu.
Thuốc PrEP có an toàn không? Có tác dụng phụ không? Đối với những trường hợp nào chống chỉ định sử dụng PrEP?
Thuốc sử dụng trong điều trị PrEP khá là an toàn và hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Ít tác dụng phụ và có thể gặp:
- Dấu hiệu đường tiêu hóa.
- 10% số người sử dụng có đau đầu: Thường nhẹ, tự khỏi sau 1-2 tuần.
- Có thể giảm nhẹ chức năng thận và mật độ khoáng của xương nhưng hồi phục sau khi ngừng thuốc.
Những trường hợp chống chỉ định sử dụng PrEP bao gồm:
- Những người HIV dương tính hoặc chưa xác định được
- Người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính
- Rối loạn chức năng thận (độ thanh thải Creatinin ước lượng <60ml/phút)
- Dị ứng với TDF và FTC
- Phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ qua
Thông tin cần biết về PrEP cho phụ nữ mang thai và cho con bú? Với phụ nữ muốn có thai sử dụng PrEP như thế nào để đạt hiệu quả nhất?
Điều trị PrEP khá an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú có nguy cơ cao nhiễm HIV. Mặc dù các nghiên cứu PrEP không tập trung vào quần thể này nhưng có các dữ liệu về sử dụng an toàn TDF/FTC ở phụ nữ có thai/cho con bú nhiễm HIV.
Nếu phụ nữ muốn có thai mà bạn tình bị nhiễm HIV mới điều trị ARV được 6 tháng hoặc bạn tình có tải lượng HIV thấp hơn 200 bản sao/ml hoặc không rõ tải lượng HIV, thì có thể dùng PrEP để bảo vệ bản thân và để con của mình không bị lây nhiễm bệnh. Trường hợp này cần dùng PrEP hằng ngày đều đặn trong vòng 21 ngày trước khi quan hệ với bạn tình mà không dùng bao cao su và phải tuân thủ điều trị PrEP mỗi ngày trong khi đang cố gắng để có thai và tiếp tục dùng PrEP cho 28 ngày sau lần cuối cùng quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su.
Chuyển đổi giữa PrEP tình huống và PrEP hàng ngày như thế nào?
Những người đang dùng PrEP tình huống thuộc nhóm MSM có thể chuyển sang PrEP uống hàng ngày tùy theo thói quen và ngược lại. Cần tham khảo bác sĩ khi có quyết định chuyển đổi.
Với các thông tin cần biết về PrEP như ở trên, bạn vẫn cần lưu ý, dù sử dụng PrEP hàng ngày hoặc PrEP tình huống cũng chỉ dự phòng lây nhiễm HIV mà không dự phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như Lậu, Giang mai, Viêm gan B, C… Do vậy bên cạnh PrEP, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo mọi người nên dùng thêm bao cao su khi quan hệ tình dục trong khi đang dùng PrEP.