Những điều cần biết về HIV và AIDS không chỉ giới hạn trong các khái niệm HIV là gì và AIDS là gì. Những điều cần biết về HIV và AIDS rộng hơn những gì chúng ta nghĩ. Ngoài những khái niệm cơ bản để phân biệt virut HIV và bệnh AIDS ra, chúng ta cần hiều rõ mối liên quan giữa hay thuật ngữ này và tầm quan trọng của nó trong dự phòng lây nhiễm HIV và bảo vệ bản thân.
Những điều cần biết về HIV và AIDS:
- HIV là gì?
HIV là virus (Human Immunodeficiency Virus). Virus gây nên bệnh HIV thuộc họ Retroviridae, là loại virus có vật chất di truyền là RNA một sợi dương có áo ngoài. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus nhân lên và tấn công hệ miễn dịch của người bệnh bao gồm các đại thực bào, các lympho bào T. Kết quả làm suy giảm chức năng miễn dịch, tạo điều kiện cho sự phát triển hoặc xâm nhập của các vi sinh vật gây hại và các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

- AIDS là gì?
- AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Đây là giai đoạn cuối cùng của HIV khi mà hệ miễn dịch đã bị tàn phá nghiêm trọng và không còn khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng cơ hội khiến bệnh nhân AIDS tử vong.
- Nhiễm trùng cơ hội là những nhiễm trùng xảy ra nhân cơ hội cơ thể bị suy giảm miễn dịch do bị nhiễm HIV.
- Suy giảm miễn dịch mắc phải: là suy giảm miễn dịch do tác nhân bên ngoài như virus HIV và một số bệnh gây nên. Suy giảm miễn dịch bẩm sinh: là một khiếm khuyết về di truyền khiến cơ thể không sản sinh đủ tế bào miễn dịch để cơ thể chống lại bệnh tật
- Điều trị HIV bằng ARV
- Chưa có thuốc chữa trị hoàn toàn HIV. Người nhiễm HIV sẽ mang virus cả đời. Một số trường hợp hiếm gặp cơ thể tự sản sinh ra kháng thể tiêu diệt HIV và khỏi hoàn toàn. Hiện tại trên thế giới chỉ có 1 người nhiễm HIV và đã khỏi hoàn toàn.
- ARV là thuốc điều trị ARV giúp ức chế sự nhân lên của HIV, giúp cho hệ miễn dịch không bị tàn phá nữa và kéo dài tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Điều trị ARV là MIỄN PHÍ nếu bạn có bảo hiểm y tế.
- HIV lây truyền qua những đường nào
Để lây truyền được, virus HIV cần có môi trường thuận lợi và đủ số lượng bản sao để lây truyền vì vậy những con đường nguy cơ cao lây truyền HIV là
- Đường tình dục: virus HIV có trong dịch âm đạo và tinh dịch. Nếu quan hệ tình dục không an toàn qua đường âm đạo hoặc hậu môn, virus có thể xâm nhập qua các tổn thương niêm mạc khi quan hệ. Quan hệ tập thể cũng tăng nguy cơ nhiễm HIV. Các bệnh tình dục như lậu, giang mai, sùi mào gà cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV
- Đường máu: truyền máu, tiêm chích, phẫu thuật, nhổ răng, xăm trổ.
- Từ mẹ sang con: nếu mẹ bị nhiễm HIV thì 25%-40% trẻ sinh ra có nguy cơ nhiễm nếu mẹ không được điều trị. Thời điểm lây nhiễm có thể là lúc mang thai (5-10%), lúc sinh con (10-20%), cho con bú (5-20%) do virus tồn tại nhiều trong sữa mẹ.
HIV KHÔNG LÂY QUA hôn nhẹ hay ôm, tiếp xúc gần, đường ăn uống, sử dụng chung quần áo, nhà vệ sinh, bàn chải đánh răng,… không lây qua muỗi hay côn trùng truyền bệnh vì không có môi trường thuận lợi và không đủ số lượng bản sao.

Ngoài ra, người nhiễm H được điều trị ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện( K=K:không phát hiện=không lây nhiễm) sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua QUAN HỆ TÌNH DỤC. Các con đường khác vẫn có nguy cơ.
- Có những loại xét nghiệm HIV nào?
Cách duy nhất để biết bản thân có nhiễm HIV là làm xét nghiệm. Có 2 phương pháp xét nghiệm phát hiện HIV:
- Xét nghiệm huyết thanh học: tìm kháng nguyên, kháng thể HIV trong máu hoặc dịch miệng sớm từ 14 ngày đến 3 tháng sau khi nhiễm
- Xét nghiệm OraQuick: sử dụng dịch miệng, phát hiện kháng thể HIV trong dịch miệng (nước bọt) từ 3 tháng trở lên kể từ lần cuối cùng có hành vi nguy cơ.
- Xét nghiệm Insti: sử dụng máu, phát hiện kháng thể HIV trong máu từ 21 ngày trở lên kể từ lần cuối cùng có hành vi nguy cơ.
- Xét nghiệm Alere Combo Ag/Ab: sử dụng máu, phát hiện kháng nguyên, kháng thể của HIV trong máu từ 14 ngày trở lên kể từ lần cuối cùng có hành vi nguy cơ.
- Ưu điểm: nhanh chóng, dễ thực hiện, kết quả có sau 15-20 phút.
- Chi phí thấp: hiện nay có nhiều tổ chức hỗ trợ cộng đồng cấp phát bộ tự xét nghiệm hoặc làm xét nghiệm HIV miễn phí
- Xét nghiệm sinh học phân tử: tìm các thành phần virus HIV trong máu, có thể phát hiện virus rất sớm (khoảng 7 ngày sau khi nhiễm) những chi phí rất cao và đòi hỏi kĩ thuật phức tạp, chỉ có tại các bệnh viện lớn.
- Các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV
Những biện pháp đơn giản để phòng tránh lây nhiễm HIV:
- Quan hệ tình dục an toàn sử dụng các loại bao cao su, gel bôi trơn.
- Sử dụng PrEP: thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV
- Nếu quan hệ không an toàn và nghi ngờ bạn tình của mình có nguy cơ cao nhiễm HIV, hãy sử dụng PEP: thuốc dự phòng sau phơi nhiễm
- Chung thủy với bạn tình của mình
- Không dùng chung bơm kim tiêm
- Xét nghiệm HIV định kì từ 3 đến 6 tháng một lần
- Đối với phụ nữ mang thai: xét nghiệm và điều trị dự phòng trong quá trình mang thai. Thay sữa mẹ bằng sữa bò hoặc các loại sữa khác

- Những việc cần làm khi biết mình nhiễm HIV?
- Bạn hãy bình tĩnh, HIV không phải là bệnh và người có H hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc như người bình thường.
- Liên hệ với nhân viên y tế hoặc các tổ chức hỗ trợ cộng đồng để được tư vấn và hỗ trợ điều trị MIỄN PHÍ. Thông tin của bạn sẽ được giữ kín theo Điều 8 Luật Phòng, chống HIV/AIDS.
- Dừng việc quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bơm kim tiêm chung và thông báo với bạn tình/bạn chích chung về tình trạng HIV của mình.